Sân khấu Cải lương: Tín hiệu khả quan cho năm mới
VHO- Đó là nhận định của hầu hết giới nghệ sĩ, đạo diễn, người làm sân khấu khi dự báo về “diện mạo” của Cải lương trong năm 2023. Thực tế cho thấy, năm qua, Sân khấu Cải lương đang trên đà khởi sắc trở lại, đặc biệt là sau các kỳ liên hoan, hội diễn rầm rộ, tạo nên luồng sinh khí mới…
Vở “Bên dòng Long Khốt” của Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An, đoạt giải Xuất sắc tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2021
Thế nhưng, cũng theo giới nghề, những người làm sân khấu cần thận trọng và có bước đi phù hợp hơn, tính đường dài để Cải lương thực sự hòa mình vào nhịp sống hiện đại, trở thành món ăn tinh thần bền vững trong lòng công chúng.
Cần xác định khán giả tương lai của Cải lương
Soạn giả Hoàng Song Việt bày tỏ: “Sau thời gian hoạt động cầm chừng để theo dõi tình hình đại dịch và thị hiếu khán giả, năm vừa qua, các sân khấu, nghệ sĩ Cải lương đã hoạt động gần như hết công suất. Nhiều liên hoan, hội diễn liên tiếp đã tạo sân chơi chuyên nghiệp cho giới làm nghề thi tài, đó là những điều kiện vô cùng thuận lợi cho Cải lương phát triển. Thế nhưng, dự báo tình hình năm 2023 sẽ như thế nào cũng rất khó đoán vì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố”.
Theo vị soạn giả kỳ cựu này, “thừa thắng xông lên” sau những đợt tham gia biểu diễn thi thố vừa rồi, ít nhiều các nghệ sĩ đã biết thực lực mình ra sao, thị hiếu khán giả như thế nào để tính toán xây dựng kịch mục, tiếp cận khán giả, tạo đà mới cho Sân khấu Cải lương tiến bước vững chắc.
Một nghệ sĩ chia sẻ, bản thân chị khi đi biểu diễn trong thời gian giáp Tết thấy tình hình bán vé rất khả quan. “Tuy nhiên, nếu chúng ta không nắm bắt được cơ hội và kỹ càng chọn lọc, chuẩn bị chu đáo cho những vở tiếp theo mà cứ thấy khán giả xem đông rồi bằng lòng với hiện tại và tự mãn, nghĩ rằng mình đang có khán giả mà không trăn trở, không chuẩn bị gì cho tương lai thì không lâu nữa khán giả sẽ không còn háo hức đến các sân khấu. Lúc này Cải lương lại rơi vào tình trạng cũ và sẽ hẩm hiu trở lại… Đây là điều tôi thấy lo và mong muốn rằng các đơn vị, kể cả công lập và xã hội hóa, xong “cú hích” từ các đợt liên hoan, hội diễn, cần chuẩn bị thật tốt cho mình nội lực để duy trì và kéo khán giả lại đến với mình”, nữ nghệ sĩ tâm tư.
Theo các chuyên gia ngành sân khấu, để Cải lương không rơi vào tình trạng cũ thì cần phải nỗ lực rất nhiều. TS.NSND Triệu Trung Kiên cho rằng, yếu tố đầu tiên là phải làm mới Cải lương, bởi giữa các thế hệ nghệ sĩ đang có sự chuyển giao và khán giả cũng như vậy. Khán giả mỗi thời điểm có thị hiếu khác nhau. Người làm Cải lương cần phải biết trong tương lai khán giả của mình là ai để có cách đánh giá và nhìn nhận đúng, rằng với đối tượng khán giả đó thì Sân khấu Cải lương cần chuyển biến thế nào cho phù hợp. NSND Triệu Trung Kiên cũng nhấn mạnh, Cải lương cần cuộc lột xác, bởi không có gì bất biến mà phải luôn vận động, xã hội vận động, Cải lương cũng như vậy, nhưng vận động như thế nào cho hợp lý thì đó là tư duy toàn ngành Cải lương, cả trong Nam và ngoài Bắc.
“Ngồi với nhau bàn luận, phản biện và trải qua quá trình thực nghiệm thực tế, nghệ sĩ Cải lương hai miền Nam Bắc không đầu hàng hoàn cảnh này. Tôi có nói với vài đồng nghiệp, qua các liên hoan, hội diễn năm 2022 vừa rồi, chúng ta đã rút được rất nhiều kinh nghiệm, và trong chúng tôi nảy nở ra thêm rất nhiều ý tưởng để muốn làm thêm nữa. Chúng tôi rất nhiều khao khát muốn được phát triển, sáng tạo thêm và chắc chắn trong năm tới đây có nhiều điều muốn triển khai. Đừng bắt Cải lương đóng khung, định hình theo khuôn mẫu, mà phải để nó phát triển theo các xu hướng phù hợp với sự thay đổi của thời đại”, NSND Triệu Trung Kiên chia sẻ.
Sân khấu Cải lương được kỳ vọng sẽ phát triển trở lại mạnh mẽ thời gian tới
Đồng lòng, góp sức để cùng phát triển
Các nghệ sĩ cho rằng, các buổi giao lưu tại liên hoan, hội diễn năm 2022 đã cho thấy rõ nét sự đoàn kết gắn bó, anh em cả nước đang gắn kết lại để tạo thành khối. Nếu như trước đây riêng lẻ mạnh ai nấy làm, thậm chí là các sân khấu độc lập, tranh giành khán giả với nhau, nhưng nay các sân khấu, đoàn nghệ thuật có dấu hiệu bắt đầu gọi nhau, muốn cộng tác với nhau và đồng lòng, góp sức để cùng phát triển. Quả thật, chia sẻ của các nghệ sĩ đã khiến cho những người quan tâm đến Nghệ thuật sân khấu cảm thấy ấm lòng và phấn khởi. Một đạo diễn cũng cho hay, ngay từ cuối năm 2022, nhiều nhà hát, đoàn nghệ thuật đã bắt đầu chuẩn bị cho mình tác phẩm để tham gia các kỳ liên hoan, hội diễn sắp tới. Họ đã chọn kịch bản, ê kíp sáng tạo, đầu tư tìm nguồn lực và ấp ủ ý tưởng tìm bằng được tác phẩm… “Các đơn vị cứ đua nhau chọn vở để dựng, tôi cho rằng điều đó rất hay. Tìm kiếm, áp dụng những mô hình hay, cách làm tốt sau mùa liên hoan, hội diễn để trau chuốt hơn cho vở mình, đơn vị này học tập kinh nghiệm của đơn vị khác đã thành công. Đấy chính là hiệu ứng lan truyền qua các hội diễn, liên hoan 2022 và chắc chắn thời gian tới khán giả sẽ nhìn thấy kết quả”, NSND Triệu Trung Kiên phấn khởi bày tỏ.
Theo nhiều chuyên gia nghệ thuật, một điểm sáng của nghệ thuật sân khấu sau năm 2022 chính là các đơn vị nghệ thuật, sân khấu xã hội hóa hướng đến việc đầu tư tác phẩm hoàng tráng, bài bản để vừa nhắm đến chuyện đi thi, nhưng cũng vừa tính đến chuyện bán vé cho khán giả, họ đều dồn nhiều cho nghệ thuật hơn. “Họ rất quyết tâm với tác phẩm được đầu tư nhiều về mặt nghệ thuật, đưa tác phẩm ra phục vụ khán giả, để định hướng và chinh phục khán giả, làm cho khán giả thay đổi quan niệm của mình, chứ không còn những sân khấu dễ dãi như trước đây. Đó là cái tín hiệu thực sự đáng mừng.
TÙNG THƯ